bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 35
Trong tuần: 693
Lượt truy cập: 624910

VŨ QUẦN PHƯƠNG VỚI THƠ HAY

VŨ QUẦN PHƯƠNG VỚI THƠ HAY

 nh__anh_phng_v_v_nho

Nhà thơ Vũ Quần Phương bìa trái và Vũ Nho

                        VŨ NHO

Quan sát các nhà thơ viết phê bình thì thấy rằng vì có sáng tác, nên phê bình của các nhà thơ thường giàu cảm xúc, thường thuyết phục bạn đọc bởi sự tinh tế, thành thục của người có nghề,  cùng làm nghề với tác giả được bình. Mặt khác, là người cũng từng thai nghén, mang nặng đẻ đau tác phẩm, nên nhà thơ bình thơ thường có sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia. Các nhà thơ bình thơ thành công trước đây phải kể đến Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Lớp kế tiếp có Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn...

Trong số những nhà thơ kể trên, thì Vũ Quần Phương là người viết nhiều lời bình hơn cả,  ở  đây có bình tác giả, bình tập thơ và đặc biệt là bình các bài thơ hay, như là một  đơn vị cơ bản trong sản xuất và tiêu dùng thơ.

Các bài bình thơ  của Vũ Quần Phương được viết rải theo suốt chặng đường sáng tạo bền bỉ của nhà thơ. Những bài viết sớm nhất in trong tập bình thơ đầu tiên “ Đọc thơ Hương Tích” in năm 1986, các bài tiếp theo in trong “Thơ với lời bình” in năm 1990; tiếp đó là các bài viết in trong “Ba mươi tác giả văn chương” in năm 2009. Gần đây nhất, năm 2012 là tập “Bình Thơ” do nhà xuất bản Dân Trí ấn hành.

Nguyên nhân đầu tiên làm cho Vũ Quần Phương thành công chính là  anh đã có con mắt xanh, chọn ra những bài thơ hay để bình và thuyết phục bạn đọc. Bài thơ hay mới có đất cho người bình dụng văn. Bài thơ càng hay thì mảnh đất càng rộng, càng dễ cho người bình trổ hết tài năng, ngón nghề của mình. Đây cũng chính là chỗ đóng góp quan trọng của người bình với tư cách là một người phát hiện.

Cũng có không ít trường hợp không đợi đến con mắt xanh tinh tường của nhà phê bình. Ấy là khi bạn đọc, các nhà phê bình khác đều chúng khẩu  đồng từ rằng đó là bài thơ hay. Trong trường hợp này, Vũ Quần Phương đóng góp bằng cách tạo ra một lối cảm thụ riêng, phát triển, bổ sung vào những cảm thụ mà người khác chưa nói, hoặc nói chưa đủ độ. Chính vì điều này mà nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định : “…ta gặp không ít những phát hiện mới mẻ của Vũ Quần Phương ở những tác giả đã quá quen thuộc, tưởng như không còn có gì để nói thêm nữa. Nhiều bài thơ tôi thuộc đã lâu, nhưng qua cái nhìn của Vũ Quần Phương, tôi ngỡ ngàng như mới thấy nó lần đầu” ( Mấy lời mở sách, Bình thơ, nhà xuất bản Dân Trí, 2012, tr. 15).

Có thể lấy ví dụ trường hợp viết về Hoàng Hạc Lâu, Muốn làm thằng Cuội, Mẹ ốm,…

Tôi cũng đã đọc nhiều bài viết về bài thơ nổi tiếng này, nhưng hình như chưa có ai đặt vấn đề  và hoài nghi như Vũ Quần Phương :

“ Khi nhìn vào toàn cục bài thơ, mới thấy mất cân đối. Kích thước nỗi buồn phần đầu bài bài thơ mở vào rộng xa, ở tầm vũ trụ đầy u ẩn, dằng dặc những kiếp đời mà đến cuối bài thơ lại chỉ còn là nỗi buồn trong tương quan mặt đất. Quê hương khuất bóng hoàng hôn làm sao tương ứng với nỗi lòng bạch vân thiên tải không du du. Quả là “chân đế” bài thơ bị thu hẹp, nếu cảm xúc phần cuối chỉ là nỗi nhớ nhà” ( Sách đã dẫn,  tr. 39). Và nhà thơ đã lí giải thuyết phục  rằng bài thơ không nói nỗi buồn nhớ quê, nhớ nhà như người ta vẫn hiểu, mà nói nỗi buồn thân phận hữu hạn mong manh của kiếp người. ( Sđ d, tr.42).

Phân tích bài thơ “Mẹ ốm” của Trần Đăng Khoa, người bình thơ  đã thật tinh tế khi chỉ ra vai thứ tư mà chú bé Khoa đang “sống” chứ không phải là “đóng”:

Chú đã nhận đóng cả ba vai chèo. Thật ra còn một vai nữa mà chú không kể. Vai này chú không đóng mà chú sống, vai đứa con chăm mẹ, để ý từng diễn biến trên khuôn mặt mẹ:

          Vì con mẹ khổ đủ điều

          Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn

Chú đang đóng hỉ nộ ái lạc, đang hát trống quân, cò lả gì gì trên sân khấu, nhưng lòng chú đang sống với những nếp nhăn quanh mắt mẹ và chú thầm hiểu nỗi vất vả, già nua in trên gương mặt mẹ là vì con.” (  Sđd, tr.549)

Với đơn vị  bài thơ, Vũ Quần Phương nắm được cái thần, cái hồn của bài.

Rồi ông chẻ cái hình ảnh đắt, câu thơ hay, thậm chí đến từ dùng đắc địa. Các nhà thơ đã lao tâm khổ tứ để tìm chữ hay, từ mắt ( nhãn tự). Kì công như Đỗ Phủ : “ Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu” ( lời không làm kinh người thì chết không yên). Bởi vậy mà nếu nhà bình thơ bỏ qua hay không để ý gì đến nhãn tự thì sẽ phụ lòng người viết biết bao. Vũ Quần Phương là người làm thơ. Ông hiểu giá trị của từ ngữ. Vì thế khi bình thơ, ông không bao giờ bỏ qua việc bình từ. Rất nhiều những từ đắt đã được Vũ Quần Phương bình thỏa đáng, đem lại khoái cảm cho người đọc. Chỉ xin lẩy ra mấy ví dụ về phân tích, bình từ:

Từ gọi trong thơ “ Hãy nhớ lấy lời tôi” của Tố Hữu : “Phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần” : “ Tố Hữu hạ một chữ gọi làm rung chuyển tâm trí người đọc. Khẩu hiệu thành tiếng trăng trối của lòng người”.

Từ “mài mòn” trong câu thơ “Trăng mài mòn guốc võng” của Bằng Việt :

“ Trăng mài mòn guốc võng nói cái ý bền bỉ của thời gian và có một điểm xuyết rất lạ về hình tượng. Câu thơ này là một thâu tóm rất tài. Từ tiếng võng kẽo kẹt những đêm trăng quen thuộc của làng quê ta, tác giả tạo mối liên hệ giữa trăng và võng qua động từ “mài mòn”, ý thơ nổi hẳn lên, tỏa sang hai câu thơ bên cạnh. Ở đây, kĩ thuật kết cấu khéo léo không hề gây một cảm giác “sắp đặt, bố trí” nào, được như vậy là nhờ sự rung động thật sự của người viết đối với các chất liệu được dung trong bài thơ” (  Sđd,tr 607).

Từ “giật”  trong câu thơ “ Giật lấy miếng ăn Bằng bàn tay lương thiện” trong bài thơ “ Ba rưỡi sáng” của Trúc Thông:

“ Nếu tính cả tựa đề bài “Ba rưỡi sáng” thì thấy việc giật lấy miếng ăn vất vả quá, khốc liệt quá. Tác giả khẳng định thêm sự khốc liệt bằng động từ “giật”. Nghe thật “đao búa”. Nhưng không. Câu thơ dưới làm ta yên tâm: Giật, nhưng giật bằng bàn tay lương thiện. Trong bối cảnh khốc liệt  còn mất ấy mà giữ được lương thiện, vẫn cứ lương thiện thì quả là bản lĩnh. Tác giả ca ngợi người lao động lam lũ quật cường không bằng lời mà bằng bản thân của hành động, trong sự tương phản giữa giật lấy và lương thiện.” (Sđd, tr.689).

Từ lớn trong “ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm; từ còn trong câu thơ “ Hai năm còn mộng toát mồ hôi/ Ba năm còn nhớ một con thạch thùng/ Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối” trong bài Người về của Hoàng Hưng; từ nhớn nhác trong bài thơ “Tìm người “ của Hữu Thỉnh; từ vui chơi trong câu thơ Mọi ngày mẹ thích vui chơi trong bài “Mẹ ốm” của Trần Đăng Khoa,…Còn nhiều những ví dụ khác về việc bình từ tinh tế của Vũ Quần Phương. Đây là những cái “rất nhỏ” trong bếp núc bình thơ, nhưng “cái nhỏ” đó làm nên phẩm chất lớn của người bình.

Các thao tác bình thơ nó cũng tựa như thao tác của một bác sĩ phẫu thuật vậy. Trước hết là phải giỏi chuyên môn ban đầu. Thứ hai là phải làm nhiều,  vừa làm vừa học,  học để làm hiệu quả hơn, tinh tế hơn. Đây không phải là thuần túy lí thuyết, mà là thực hành trên cơ sở nắm vững lí thuyết.

 Đã có bao nhiêu người viết, viết rất thành công về “Nhật kí trong tù”. Đến lượt mình, Vũ Quần Phương chọn “ những cuộc vượt ngục trong thơ tù” để phân tích. Không chỉ dừng ở tập thơ, ông khái quát:

“Nếu nhìn một cách khái quát hơn thì lời đề từ này không chỉ là linh hồn tư tưởng quán xuyến toàn bộ tập nhật kí của bác Hồ, mà còn là phương châm sống trong bất kì cảnh ngộ nào khác” ( 30 tác giả văn chương, nxbGD VN, 2009, trang 192). Với tinh thần ấy, nhà bình thơ lần lượt điểm các cuộc vượt ngục của Bác qua các bài Trên đường đi, Trời hửng, Chiều tối, Mới đến nhà lao Thiên Bảo, và Ngắm trăng. “ Ở đây sự “vượt ngục” đã hoàn thành một cách thần kì”.

Đấy là nói về cái nhìn toàn cục. Cũng có khi, người bình chỉ đi vào một khía cạnh nhỏ, để chứng minh “Cốt cách lớn qua mấy vần thơ nhỏ”. Phải tinh tường mới chọn ra 3 bài nói về sự “làm ơn” và sự “tạ  ơn” để nói về cốt cách lớn của lãnh tụ tin yêu con người và tin yêu cuộc đời.

Trong những khi bình thơ, vốn liếng của người bình được huy động đến mức tối đa. Và cần lưu ý đây không phải là chỗ khoe vốn liếng, mà cái chính là đưa được những liên tưởng, những so sánh ấy  đúng chỗ, đúng lúc, tạo nên sự thú vị  và sức thuyết phục lớn.

Viết về thơ  tù của Bác, nhà thơ liên hệ đến tình yêu thiên nhiên của Người với  tình yêu thiên nhiên của Tô Đông Pha đời Tống bị tể tướng Chương Đôn đày xuống phía Nam.

Viết về Trần Đăng Khoa, người bình liên hệ với hai thi nhân nổi tiếng đời Đường là Lí Bạch và Đỗ Phủ.

Viết về bài thơ “ Muốn làm thằng cuội của Tản Đà”, nhà phê bình liên hệ với các bài thơ khác của cùng một tác giả. Viết về Nhớ rừng của thế Lữ, người bình hai lần viện dẫn thơ Xuân Diệu để phân tích, so sánh, một lần viện dẫn ý kiến của một nhà nghiên cứu để trao đổi, phản biện…Viết về Chợ đồng của Nguyễn Khuyến, người bình liên hệ với  các bài khác của  cùng tác giả, với thơ Nguyễn Trãi, rồi lại so sánh với Chợ tết của Đoàn Văn Cừ; đặc biệt là kì khu tìm hiểu  tục lệ “nếm rượu tường đền” của làng cụ Tam Nguyên.

 Một điều khó tránh với người bình thơ là phải luôn bám sát văn bản. Với nhiều bài thơ có độ dài trung bình, cái cách thông thường nhất, dễ làm nhất và hiệu quả nhất là chia khổ để dễ bình, làm cho người đọc, người nghe dễ theo dõi. Vũ Quần Phương ưa chọn cách này. Và như vậy sẽ có một công thức được hình thành một cách tự nhiên: Khổ thơ đầu,…Các khổ tiếp theo,…Khổ thơ cuối,…Nhưng người đọc không cảm thấy nhàm chán chính là nhờ ở sự phân tích tinh tế, sâu sắc và thú vị của người bình. Trần Đăng Khoa nói đúng “ ông (VQP) rất giỏi khi đi vào những tiểu tiết tinh vi của bếp núc nhà nghề”. Nhưng nếu chỉ giỏi  đi vào tiểu tiết thì liệu người bình có đủ sức lôi cuốn độc giả? Vũ Quần Phương  ngoài việc giỏi đi vào tiểu tiết,  còn giỏi nắm bắt cái hay, cái lạ, cái độc đáo của bài thơ, khổ thơ, hình tượng thơ. Chọn bình một bài thơ, nhưng Vũ Quần Phương không ít lần dẫn ra những đặc điểm, ưu điểm của cả tập thơ của tác giả. Ví dụ viết về bài “Tìm người”, nói tập “Thư mùa đông” của Hữu Thỉnh (  Sđd, tr. 666); viết về bài thơ “ Những đứa trẻ chơi trước cửa đền”, nói “nét duyên riêng mới mẻ” của Thi Hoàng trong tập thơ “Bóng ai gió tạt” (Sđd, tr.719);  viết về bài “ Ngược núi Thiên Thai” của Vũ Từ Trang, Vũ Quần Phương khái quát thơ ba thời kì ở nước ta: “Cách viết hàm súc làm mạnh ý và tạo thẩm mĩ ở đoạn thơ này là ưu điểm của thơ hôm nay. Đậm đặc hơn thơ thời bao cấp ( ham kể việc), hơn cả thơ thời Thơ Mới ( ham trữ tình à ơi)”.( Sđd, tr. 723)

Là người bình phẩm, Vũ Quần Phương cũng như bất kì người bình thơ nào phải thuyết phục được người đọc, người nghe tại sao lại chọn bài thơ đó mà không phải bài thơ khác? Bài thơ đó hay, độc đáo ở chỗ nào về nội dung và về nghệ thuật? Sau khi đã phân tích xong, tóm lại, hoặc nói ngày từ đầu để căn cứ vào đó triển khai, bao giờ Vũ Quần Phương cũng khẳng định và thường chỉ ra đúng giá trị của bài thơ được bình. Ví dụ, khen trực tiếp bài thơ hay khi bình bài “Dọc theo bến cảng” ( tr.45), bài “ Hai bài thơ hái sen của Nguyễn Hạ Huệ” ( tr. 89), bài “ Mẹ Suốt” (tr. 531), bài “ Dịu và nhẹ” ( tr.645), bài “ Đò Lèn” (tr. 648), bài “ Sang thu” ( tr.660), bài “ Đường lưng Đèo Gió” ( tr. 687)… Ví dụ chỉ ra nét đặc sắc của bài khi viết về “ Cảnh Hương Sơn” ( tr. 177), bài “ Vịnh Hương Sơn” ( tr.188), bài “ Gửi bác Trần Nhuận Minh” ( tr. 695), bài “ Dặn con” ( tr.704),…( trong cuốn Bình thơ, nxb Dân trí, đã dẫn)

Là một nhà  thơ có ý thức cao về nghề nghiệp, Vũ Quần Phương mỗi khi bình không chỉ nói toàn cái hay, cái đẹp của đối tượng. Nhà bình thơ cũng không ngại nói ra những điều bất cập hoặc  còn non lép. Có điều cách nói của người bình là  cách nói chân thành, không phải cao ngạo hay “bới  lông tìm vết” nên dễ được đồng tình, cảm thông. Việc chỉ ra những hạn chế, những “tì vết” trên viên ngọc cũng góp phần vào nâng cao thị hiếu thẩm mĩ và năng lực thưởng thức của bạn đọc. Đây cũng là một công lao cần ghi nhận ở nhà bình thơ Vũ Quần Phương.

Bình thơ của bà huyện Thanh Quan, ông phê bình không ngại bị  cho là “ngạo ngược” khi dám chê  thơ  tiền nhân (tr. 149). Nhà bình thơ cũng chỉ ra nhược điểm của  bậc  đàn anh, bậc thầy Huy Cận, ( tr.497); của nữ sĩ Xuân Quỳnh ( tr.553); của Lưu Quang Vũ, (tr. 628) ),…( trong cuốn Bình thơ, nxb Dân trí, đã dẫn).

Có thể  nói cái giọng thủ thỉ, tâm tình kết hợp với sự  duyên thầm, hóm hỉnh, hài hước của Vũ Quần Phương cũng làm cho các bài bình thơ có sức hấp dẫn riêng. Không ít lần nhà bình thơ tranh luận về  cách hiểu câu thơ, bài thơ với đồng nghiệp, nhưng cách tranh luận của Vũ Quần Phương không hề  cao giọng, cũng không hiếu thắng. Người viết thường nhẹ nhàng, khiêm tốn nói về một cách hiểu khác, rồi lướt qua. Việc còn lại là tùy người đọc quyết  định.

            Tất nhiên Vũ Quần Phương cũng có những nhược  điểm như bất kì người viết nào. Chỉ kể ra đây mấy điểm để thấy không phải lúc nào nhà bình thơ cũng thành công.

Chẳng hạn bình bài thơ Sao không về vàng ơi của Trần Đăng Khoa, ông cho rằng mất của khó làm thơ. Rồi lại nhận định mất chó thì chỉ “buồn cái tay” ( Mày không bắt tay tao, tay tao buồn làm sao). Trong khi đó con chó Vàng, với chú Khoa là một người bạn, bạn khác loài nhưng vô cùng quan trọng.

Với Tố Hữu, người bình đã không thật cận nhân tình khi chê rằng nhà thơ Tố Hữu làm tuyên huấn “ Công việc tuyên huấn đôi lúc lấn vào cảm xúc thơ. Anh bộ đội trong bài  Bầm ơi chào mẹ lúc ra đi có một ngôn ngữ rất tuyên huấn :

Con đi mỗi bước gian lao

Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm

( Bầm  ơi)

Không có người con nào lúc xa mẹ lại nói thế ( Xa mẹ con có khối mẹ khác!). Đây là Tố Hữu  đã mượn để vun đắp tình quân dân, xây dựng phong trào  “mẹ chiến sĩ” ( 30 tác giả văn chương, sđ d, trang 188).

Chỗ này nghe qua thì đúng, nhưng ngẫm lại thì  không phải. Nhà phê bình đã quên rằng, đây là  anh con trai đang an ủi mẹ, làm cho mẹ đừng lo lắng. Anh nói thế để yên lòng mẹ chứ không có  tuyên huấn tuyên truyền  quân dân gì ở đây. Cái việc này, người con thường rất hay làm. Đi ra trận, Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi, nhưng bao người con đều nói một câu chắc nịch: “Bao giờ giặc xong/ Lại về Việt Bắc” (  Tố Hữu - Bà mẹ Việt Bắc) và trong Bầm ơi cũng vậy : “ Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm”. Chả lẽ đây cũng là tuyên huấn nói?

Một ví dụ khác về trường hợp câu thơ  của Bác “ Quân vụ nhưng mang vị tố  thi – Việc quân bận rộn chưa làm thơ được). Vị bác sĩ đã cố gắng hiểu những chữ  Hán ( vốn không dành cho thầy thuốc). Nhưng ở đây, ông quá nệ vào câu dịch không chuẩn : Việc quân đang bận xin chờ hôm sau. Có đến hơn ba lần ông dẫn câu thơ dịch này với ý   “xin khất”, với ý “chờ”. Khất, chờ đi liền với ví dụ khác: (Chờ  cho kháng chiến thành công đã/ Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta).

Dù đánh giá thế nào, tôi vẫn cho rằng thành tựu bình thơ của Vũ Quần Phương là một thành tựu lớn, rất đáng ghi nhận. Nhà thơ đã giúp cho các thầy cô giáo và  các em học sinh tiếp cận những áng thơ hay một cách lí thú. Và sau hết, nhờ những bài bình cần mẫn, tài hoa, sâu sắc của Vũ Quần Phương, bạn đọc đông đảo đã có cơ hội để thưởng thức những viên ngọc trong kho tàng thơ ca.  Nếu không có Vũ Quần Phương, tôi tin, những  bài thơ  hay sẽ vắng thiếu một cơ hội, hay không có dịp tỏa sáng trong bầu trời thi ca đất nước.

                   Nhà sáng tác Nha Trang, tháng 3/2013

                                              Hà Nội, tháng 3/2020

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)